Tác dụng của hạt hạnh nhân đối với sức khỏe của trẻ
Tác dụng của hạt hạnh nhân đối với sức khỏe của trẻ
Hạnh nhân có hai loại: hạnh nhân đắng và ngọt. Thông thường, hạnh nhân ngọt phổ biến hơn và thường được chiết xuất thành dầu. Tuy nhiên, hạnh nhân đắng cũng là một nguyên liệu khá phổ biến để chế biến các món ăn.
Thành phần dinh dưỡng của hạnh phân trong 100g
- Năng lượng: 527kcal
- Carbohydrates: 21,67g
- Protein: 21,22g
- Chất béo: 49,42g
- Chất xơ: 12,20g
- Các loại vitamin: folates: 50µg; niacin: 3,385 mg; axít pantothenic: 0,47mg; pyridoxine: 0,143mg; riboflavin: 1,014mg; thiamin: 0,211mg, vitamin A: 1 IU; vitamin E: 26mg
- Chất điện giải: natri: 1 mg; kali: 705mg
- Khoáng chất: canxi: 264mg; sắt: 3,72mg; magiê: 268mg; mangan: 2,285mg; phốt pho: 484mg; selen: 2,5µg; kẽm: 3,08mg.
Tác dụng của hạt hạnh nhân đối với trẻ nhỏ
1. Hạnh nhân tốt cho não bộ của bé
Hạnh nhân chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp phát triển trí não. Ngoài ra, ăn hạnh nhân còn giúp bé cải thiện trí thông minh. Hạnh nhân có chứa riboflavin và L-carnitine, giúp kích thích hoạt động của não. Không những vậy, hạnh nhân còn giúp cải thiện mức độ thông minh và ngăn ngừa hội chứng suy giảm trí nhớ (Alzheimer) trong tương lai.
2. Tác dụng của hạt hạnh nhân trong việc giúp kiểm soát cholesterol
Dù hiện tại bạn không cần quan tâm đến mức cholesterol hoặc lượng đường của bé, nhưng ăn hạnh nhân nhiều sẽ giúp giữ lượng cholesterol trong tầm kiểm soát khi bé lớn lên¹. Tuy nhiên, bạn nên tránh cho bé ăn những loại sản phẩm có thêm muối hoặc đường nhé.
3. Hạnh nhân giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Hạnh nhân giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường vì nó có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin E. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do hạnh nhân có chỉ số đường huyết thấp².
4. Tác dụng của hạt hạnh nhân trong việc giúp hỗ trợ tiêu hóa ở trẻ
Bằng cách điều chỉnh cách hoạt động của ruột cùng với lượng chất xơ cao, hạnh nhân có thể ngăn ngừa táo bón và giúp tăng cường hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh.
5. Hạnh nhân giúp xương và răng chắc khỏe
Hạnh nhân có chứa một lượng phốt pho thích hợp để giúp xương và răng khỏe mạnh. Ngoài ra, các chất trong hạt hạnh nhân cũng giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương trong tương lai.
6. Tác dụng của hạt hạnh nhân trong việc cải thiện khả năng miễn dịch
Trong hạt hạnh nhân có các chất chống oxy hóa và có tính kiềm, giúp loại bỏ độc tốc của cơ thể. Nhờ đó, làm tăng khả năng miễn dịch của trẻ đáng kể. Bên cạnh đó, hạt hạnh nhân cũng chứa một số axit béo thiết yếu giúp cơ thể bé chống viêm và giúp trẻ có một sức khỏe tốt khi trưởng thành.
Tác dụng phụ của hạt hạnh nhân
Ăn nhiều hạnh nhân thường không gây ra phản ứng phụ cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trước khi cho bé dùng, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để xem độ tuổi của bé có phù hợp để ăn loại hạt này hay không. Nếu trong gia đình có người bị dị ứng, bạn nên hỏi bác sĩ trước khi cho bé dùng.
Bạn nên cho bé dùng hạt hạnh nhân như thế nào?
Khi bác sĩ đã cho phép, bạn có thể bắt đầu tập cho bé ăn. Tuy nhiên, trước khi cho bé dùng, bạn nên ngâm hạnh nhân qua đêm, sau đó lột vỏ và nghiền nát. Bạn cũng có thể trộn hạnh nhân với các loại bột hoặc cho vào sữa của bé.
Thêm hạnh nhân vào sữa sẽ làm tăng giá trị dinh dưỡng của sữa. Ngoài ra, đây cũng là cách để bạn “dụ” bé bú dễ dàng hơn. Nếu bé mắc chứng không dung nạp lactose, bạn có thể thêm hạnh nhân vào sữa đậu nành. Bạn có thể tham khảo công thức sữa hạnh nhân dành cho bé từ 1 tuổi trở lên dưới đây.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Hạnh nhân
- Sữa
- Yến mạch (không bắt buộc)
- Đường cát/đường thốt nốt (không bắt buộc)
- Nghệ tây (không bắt buộc)
- Bột bạch đậu khấu (không bắt buộc).
Cách chế biến
Bạn ngâm hạnh nhân qua đêm, lột vỏ và xay nhuyễn với sữa. Sau đó, đun sôi và cho thêm yến mạch, bột nghệ tây, đường, bột bạch đậu khấu (nếu thích) và khuấy đều. Hạ nhỏ lửa và lọc sữa bằng một cái rây để tránh những hạt hạnh nhân lớn còn sót lại trong sữa.
Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã biết thêm một số thông tin hữu ích về lợi ích của hạnh nhân đối với trẻ nhỏ. Nếu bạn cảm thấy không an tâm khi cho bé dùng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhé.
Nguồn: Hello bác sĩ